HUYỀN KHÔNG PHI TINH 10
Thứ sáu - 09/09/2022 08:59

Phần 10
Song tinh đáo hướng

Song tinh đáo hướng là một cách cục đặc biệt của vượng sơn vượng hướng. Nhà có song tinh đáo hướng và cặp sơn hướng này là số của đương vận. Nếu phía trước trống thoáng hoặc có đường đi hay có thủy thì đây là cách “ thu sơn” mà thành “vượng sơn, vượng hướng”, tốt đẹp một thời.

Thướng sơn Há thuỷ

Tương phản với vượng sơn vượng hướng là thướng sơn há thuỷ, còn gọi là “Hoả khanh tuyến” tức sơn tinh vượng tới hướng, hướng tinh vượng tới toạ. Theo phái Huyền Không, phàm toạ hướng của trạch phạm vào cách cục “thướng sơn há thuỷ”, tức Thủy thần lên núi, Sơn thần xuống nước thì nhân đinh và tài lộc đều lụn bại.
Trong vận 8 này 6 cách cục phạm thướng sơn há thuỷ là:
_ Toạ Thìn hướng Tuất
_ Toạ Tuất hướng Thìn
_ Toạ Khôn hướng Cấn
_ Toạ Cấn hướng Khôn
_ Toạ Thân hướng Dần
_ Toạ Dần hướng Thân

Biện Pháp để hoá giải Thướng sơn há thuỷ là dùng phép “đảo kỵ long”, tức là phía sau phải có thuỷ, trống thoáng hoặc có đường đi, Phía trước có núi, đồi, nhà cao hay cây cao. Lúc đó lại vượng phát như nhà vượng sơn vượng hướng
Ngoài cách cục thướng sơn há Thủy còn cách cục song tinh đáo tọa là “vượng đinh, thoái tài”. Cách này cần có thủy hoặc đường đi và núi hay nhà cao cây cao ở phía sau thì mới hóa giải được

Phong thủy bắt đầu từ hình thế rồi sau phát triển tới lý khí, rồi sau nữa là thời vận. Theo Phái Loan đầu thì nhà cửa hay mộ phần đều cần có núi che chở như : Thanh Long, Bạch Hổ hai bên, sau có huyền vũ che chắn, Trước có minh đường trống thoáng để tụ khí. Nhưng Với Huyền không khi lập trạch cần quan sát sao cho nơi có vượng, sinh khí của Hướng thì trống thoáng. Chỗ có sinh, vượng khí của sơn thì cần có núi hay nhà cao cây cao. Phối hợp hình thế với phi tinh, Sinh Vượng tinh của hướng gặp Thủy, sinh vượng tinh của sơn gặp núi là đã được một thời hưng vượng.
Để biết thế nào là sinh vượng khí, ta lấy sao đương vận làm chuẩn
- Trước 1 số là sinh khí
- Trước 2 số là tiến khí
- Sau 1 số là thoái khí
- Sau 2 số là tử khí.
Thí dụ: Ta đương vận 8 thì:
- 8 là vượng khí
- 9 là sinh khí
- 1 là tiến khí
- 7 là thoái khí
- 6, 5, 4, 3, 2 là tử khí
Phối hợp phi tinh với loan đầu bên ngoài:
Sơn quản nhân đinh, Thủy quản tài. Tức là khi xét vượng hay suy thì hướng tinh nói về tiền tài bên ngoài tới còn sơn tinh nói về người trong nhà.
Hướng tinh:
- Sinh vượng khí: gặp thủy thì vượng, gặp núi thì suy.
- Tử khí: Gặp thủy càng suy thêm. Gặp núi thì xét thêm sơn tinh.
Sơn tinh:
- Sinh vượng khí: gặp núi thì vượng, gặp thủy thì suy.
- Tử khí: gặp núi thì càng suy thêm. Gặp thủy thì xét hướng tinh.
Nếu hướng tinh là tử khí gắp núi, đồi hay nhà cao. Nhưng nếu đi liền với nó là sơn tinh sinh vượng khí thì sơn tinh sẽ “thoát sát” mà cho hướng tinh thành tốt.
Nếu sơn tinh là tử khí gặp nơi trống thoáng, có thủy hay đường đi. Nhưng nếu liền với nó là sơn tinh vượng khí thì đây là cách "thu sơn" và làm cho sơn tinh trở lên tốt đẹp.
Nếu hướng tinh và sơn tinh đều là suy tử khí thì nơi đây cần trống thoáng và không có cửa ra vào nhà.
Cho nên theo Huyền không khi nhà đã phối được phi tinh với loan đầu. Những nhà đạt được cách cục như vậy thì tài sản hưng vượng, con cháu đông đúc, gia nhân trung thành, nhân tài xuất hiện,...Đây gọi là cách "Châu bảo tuyến" tức là tuyến lập trạch quí như gặp châu báu vậy.
Lệnh tinh nhập tù

Nhập tù:

Theo Khương Diêu (đệ tử của Tưởng đại Hồng) thì khi Sao đương vận ở trung cung tức là bị tù thì tai họa khủng khiếp còn hơn cả “thướng sơn, há thủy”. Cho ta thấy khi lệnh tinh (sao đương vận) nhập tù thì gây nhiều tổn thất về nhân mạng cũng như tài lộc. Khi vượng khí vủa sơn tinh hoặc hướng tinh nhập trung cung thì nó bị bao vây tứ phía mà không thể phát huy được năng lực của nó. Khi đó các tử khí mới được dịp tung hoành.
Lệnh tinh (tức là sao đương vận) của hướng nhập Trung-cung thì suy bại, về tài lộc
Lệnh tinh của sơn nhập trung cung thì suy bại về nhân đinh
Như vận 7: hướng Càn, vận tinh bát đáo hướng (số của Vận ở cung hướng
Tây-bắc là 8) như vậy 8 nhập Hướng ở Trung-cung. Ðến vận 8 thì lệnh tinh là 8 nên số của hướng ở Trung-cung là 8 tức bị tù

Nếu hướng nguyên thủy của sao tù như: dương trạch (nhà cửa) có cửa và đường xá hay của âm trạch (mồ mả) có thủy thì không bị tù. Thí dụ nhà toạ tốn hướng càn vận 8 có sao 9 nhập trung cung, qua vận 9 là bị tù, nhưng ở hướng nam (sao nguyên thủy là 9) có hướng tinh 5 mà có thuỷ thì không bị tù.
Trường hợp vận 5, Ngũ hoàng nhập Trung-cung thì cũng không là tù.
Như vậy, nếu có thủy ở phương có Hướng có Ngũ-hoàng thì có thể hóa giải được tù.
Trong Thẩm thị Huyền không học có đề cập đến những trường hợp vượng tinh nhập tù như sau:
1/ Thẩm trúc Nhưng khi nói về vượng tinh nhập tù có đưa thí dụ là nhà toạ THÌN, hướng TUẤT, vận 1 nhập trạch thì hướng tinh 2 nhập trung cung bay nghịch, nên hướng tinh 1 tới hướng là đắc vượng khí. Nhưng qua vận 2 thì hướng tinh nhập tù. Ông có đưa ra cách giải là mở cửa hay có thuỷ ở phía TÂY NAM căn nhà. Theo tinh bàn thì hướng TÂY NAM có hướng tinh 5. Hướng TÂY NAM cũng là hướng nguyên thuỷ của 2
2/ Trong Tòng sư tuỳ bút, Khương Diêu cũng đưa ra trường hợp phạm hướng tinh nhập tù nhưng nhà đó vẫn tiếp tục phát. Khi hỏi Tuởng đại Hồng thì được trả lời là tuy hướng tinh nhập tù, nhưng ở hướng có thuỷ nên tù mà không tù, nên không được tính là nhập tù nữa.
3/ Trong phần giải đoán của Chương trọng Sơn có nói đến trường hợp 1 ngôi mộ bị song tinh (sơn và hướng) Nhất bạch chiếu tới, mà phương toạ có hướng tinh Bát bạch, nên vào vận 8 là nhập tù. Tức là trường hợp mà hướng có 2 sao sơn và hướng cùng 1 số với nhau đến, thì hướng tinh ở phương toạ là số gì thì đến vận đó sẽ tự động bị nhập tù. Nhưng trong trường hợp này Chương trọng Sơn cũng nói là trạch vận rất lâu dài, quá tam nguyên cửu vận, nên trong trường hợp này thì Thẩm trúc Nhưng và Vương tắc Tiên đều chú giải là vì nơi phía sau ngôi mộ có hồ nước lớn phóng quang, nên tuy vượng tinh bị tù mà không phải tù, vẫn thoát ra được mà làm cho gia đình này vẫn tiếp tục phát đạt chứ vận khí không chỉ dừng ngay tại đó.
Thí dụ nhà tọa Nhâm hướng Bính. , vận 7 có song tinh đáo hướng. cung đối diện có sơn tinh 8. qua vận 8 thì nhập tù. Nếu có cây cao hay nhà cao thì có thể hóa giải được, bằng không thì có họa về nhân đinh


- Vấn đề mở cửa hoặc có sông nước ở phương vị có hướng tinh Ngũ Hoàng: Đây là điều dễ hiểu lầm ý của Thẩm trúc Nhưng. Đúng ra là ông ta dùng phương vị có hướng tinh Ngũ Hoàng để phá tù tinh. Nhưng điều này chỉ có thể dùng cho âm trạch (mồ mả) mà thôi. Tức là nếu là âm trạch mà ở hướng có sao Ngũ Hoàng, lại thêm có thuỷ ở đó tức là vận khí của ngôi mộ đó sẽ lâu dài, tới vận có hướng tinh nhập tù cũng vẫn phát chứ không bị suy tàn. Nếu ở đầu hướng không có vận tinh Ngũ Hoàng, nhưng ở 1 phía nào đó có nó, mà nếu khu vực đó lại có thuỷ lớn thì cũng hoá giải được vấn đề vượng tinh nhập tù. Nhưng dù trong trường hợp nào thì chung quanh mộ huyệt đó cũng phải thật trống thoáng, nhất là khu vực có hướng tinh Ngũ Hoàng thì phải cần có đại thuỷ hoặc thuỷ tam thoa (chỗ giao hội của 2 nhánh sông) thì mới có thể hoá giải được. Nói tới đây thì lại vướng mắc tới vần đề đã nêu ra là sao Ngũ Hoàng là sát tinh chuyên gây tai hoạ, nếu nơi nó chiếu tới mà còn có thuỷ thì hoạ lại càng khốc liệt, chứ làm sao có thể tốt được (ngoại trừ tới các vận 4, 5 mà thôi)? Tuy nhiên nếu đọc Trạch vận tân án trong phần nói về sao Ngũ Hoàng có viết "Ngũ Hoàng tuy là hung thần, nhưng nếu chiếu tới âm trạch (mộ phần) thì lại là phúc thần, vượng thần, cực kỳ tốt đẹp". Cho nên mồ mả có Ngũ hoàng chiếu tới đầu hướng, hoặc khu vực nào mà nó chiều tới có thuỷ là điều tốt, chủ trạch vận lâu dài không sợ nhập tù. Nhưng trên thực tế nhận thấy mồ mả có Ngũ Hoàng chiếu tới cũng chỉ tốt đẹp trong các vận 4-5 và những vận có vượng tinh nhập tù. Còn những vận khác thì vẫn đòi hỏi phải có thuỷ ở phương vị của vượng tinh thì con, cháu trong vận đó mới phát đạt được. Chứ không phải là mồ mả có Ngũ Hoàng chiếu tới đầu hướng là sẽ đại phát hết trong tam nguyên, cửu vận được.
_ Đối với dương trạch thì Ngũ Hoàng là sát thủ số 1, nên khu vực mà nó chiếu tới không thể có cửa hay sông nước (ngoại trừ trường hợp trong vận 5, tức lúc đó Ngũ Hoàng là vượng khí thì lại tốt). Nếu có dĩ nhiên là nhà đó sẽ bị hung hoạ liên miên. Chỉ có 1 trường hợp ngoại lệ là khi nhà đó gặp vận có hướng tinh nhập tù thì lúc đó mới nên mở cửa tại phương vị có Ngũ Hoàng để phá tù tinh, nhưng cũng phải với điều kiện là chung quanh nhà và nhất là khu vực có Ngũ Hoàng phải thật rộng rãi, trống thoáng thì mới có hiệu lực. Còn trong các vận khác thì phương này phải yên tĩnh chứ không thể động. Như vậy đối với dương trạch khi tới vận có lệnh tinh nhập tù thì mới mở cửa tại phương vị có hướng tinh ngũ hoàng để giải tù tinh, vì lệnh tinh bị bao vây không lối thoát nay dùng khí đồng nguyên tức là phương vị nguyên thuỷ của nó mà giải nó
_Lại nữa, đối với những nhà có bất kỳ hướng tinh gì nhập trung cung thì đối tượng mà sao đó biểu tượng cũng đều có vấn đề, bệnh tật, tai hoạ dễ bị thương tật , hư hỏng, ăn chơi phá phách hoặc không làm gì được ra trò. Nhưng nếu phương vị nguyên thuỷ của sao đó mà có cửa hay ngã ba, ngã tư hoặc có thuỷ thì đối tượng đó tuy vẫn có tai hoạ nhưng sẽ đỡ hơn nhiều. Nhưng phương này lại là phương có hướng tinh ngũ hoàng nên không dùng cách này được. Cách này chỉ dùng khi đền vận đó mà thôi.Lấy thí dụ như nhà toạ NHÂM hướng BÍNH, trong vận 7 thì hướng tinh số 2 nhập trung cung. Mà số 2 là biểu tượng của người mẹ, người vợ, nên những gia đình này thường gặp tai hoạ xảy đến cho người vợ, người mẹ. Nếu như phía TÂY NAM (là phương vị nguyên thuỷ của số 2) của những nhà này có thuỷ hay cửa hoặc ngã 3, ngã tư thì mức độ tai hoạ lại giảm đi. Một cách giải khác là coi cung có sơn tinh 2 (trong trường hợp này) xem có bị xung khắc để tìm cách chế hoá đi. Như trong thí dụ này thí cung TỐN có sơn-vận-hướng là 2-6-3. Sơn tinh 2 (thổ) khắc 3(mộc) lại ở trong cung TỐN cũng thuộc mộc nay lại còn sanh cho 6(kim) nên rất suy yếu. Ta dùng màu đỏ (hoả) và màu xanh dương (thuỷ) mà sơn tường , làm gạch nền hoặc thảm cho khu vực này thì lúc đó mộc sanh hoả, hoả sanh thổ, thổ sanh kim, kim sanh thuỷ,….

Tóm lại

1) Vượng tinh nhập tù: Trung cung hướng tinh trùng với vận tinh của đương vận. Ví dụ sơn Tốn hướng Kiền vận 7, trung cung có hướng tinh 8. Qua vận 8, trạch vận này phạm tù tinh, tài lộc sẽ suy bại

2) Tọa hoặc hướng có 2 sao sơn và hướng cùng 1 số với nhau đến (song tinh đáo hướng hoặc song tinh đáo sơn), thì sơn hoặc hướng tinh ở phương toạ hoặc hướng đối diện là số gì thì đến vận đó sẽ tự động bị nhập tù.
3) Hướng tinh ở trung cung là tù tinh: Bất kể tinh bàn lập ở vận nào, hướng tinh của trung cung là tù tinh khiến cho đối tượng mà sao đó đại diện dể có nguy cơ bệnh tật, tai hoạ. Ví dụ toạ TÝ hướng NGỌ vận 7, trung cung có hướng tinh 2. Mà số 2 đại diện người mẹ, người vợ, nên những người này thường gặp tai hoạ như bị thương tật, tàn phế.

Tuy nhiên, tất cả các trường hợp trên có ngoại lệ đối với hướng tinh là Ngũ Hoàng. Bất kể là trường hợp nào, khi Ngũ Hoàng nhập trung cung đều không phạm tù tinh, vì Ngũ Hoàng ở Trung cung là địa vị chí tôn, là "hoàng cực" nên không bị tù.

Cách giải "Tù tinh" thì tùy trường hợp có khác nhau. Điều quan trọng là phải theo dõi và nghiệm chứng để điều chỉnh cách giải tù tinh thích hợp hơn.
4) Sơn tinh nhập tù là vượng tinh thì sẽ suy bại về nhân đinh. Người trong nhà sẽ bỏ đi hoặc gặp tai họa. Nhà thưa vắng người hoặc tuyệt tự.

(ST)

Tác giả bài viết: Thầy Bùi Quang Uy

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
2011 Phong Thủy Phương Đông